Passion vs. Hobby: Lựa chọn nghề nghiệp theo cái nào tốt hơn?

Khi gặp các bạn trẻ, tôi thường đặt cho họ một câu hỏi: tại sao bạn muốn làm nghề X hay Y, Z? Câu trả lời tôi hay nhận được là vì các bạn ấy muốn theo đuổi đam mê của mình.

 

 

Tôi đã trải qua những giai đoạn như các bạn ấy nên tôi hiểu cái các bạn đang suy nghĩ là gì. Mỗi khi nghe câu trả lời của các bạn lại khiến tôi nhớ về câu nói rất nổi tiếng của Steve Jobs.

 

Nhà sáng lập quá cố của Apple, một trong những người truyền cảm hứng tốt nhất trong thế hệ của tôi đã từng nói rằng:

 

“Công việc của bạn sẽ lấp đầy một phần lớn cuộc sống của bạn, và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin rằng đó là công việc tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm được công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm.”

 

Lẽ dĩ nhiên bạn phải yêu thích công việc mình làm thì mới có khả năng đạt được thành tựu lớn và ai cũng hiểu cách đơn giản nhất để yêu thích công việc mình làm là… làm cái mình đam mê.

 

Nhưng có một sai lầm mà đa số chúng ta đều mắc phải: Chúng ta nhầm lẫn giữa đam mê (passion) và thú vui (hobby).

 

Passion vs. Hobby

 

 

Hãy tự hỏi bản thân, đam mê của bạn lúc còn trẻ là gì? Bây giờ, hãy nghĩ về những điều bạn đam mê hiện tại. Chúng có gì khác nhau không?

 

Rất có thể niềm đam mê của bạn đã thay đổi phải không? Đó là bởi vì chúng không thực sự là đam mê mà chỉ đơn thuần là những thú vui giúp bạn giải trí khi rảnh rỗi.

 

Bởi vì thú vui sẽ thay đổi theo thời gian nên dùng nó làm cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp là việc làm mạo hiểm.

 

Vậy đam mê là gì?

 

 

Đam mê là thứ luôn bao trùm tâm trí của bạn toàn thời gian. Có thể bạn không có thời gian cho nó 100% nhưng những khi rảnh rỗi các suy nghĩ về nó sẽ luôn hiện hữu trong đầu bạn.

 

Hãy nghĩ về những thứ bạn làm mà khi đó bạn cảm thấy thời gian như ngưng đọng lại. Đó là khi bạn dành trọn sức khoẻ và tâm trí cho một công việc cụ thể nào đó. Điều này phải diễn ra trong một thời gian đủ dài, thường là nhiều năm để có thể xác nhận chúng là đam mê. Nếu không có thể bạn lại có một thú vui thoáng qua nào đó.

 

Một điểm khác biệt cơ bản nữa giữa đam mê và thú vui là việc theo đuổi đam mê thường tốn kém cũng như vất vả hơn rất nhiều. Vì bạn luôn muốn tìm tòi, khám phá, và sáng tạo, hành trình theo đuổi đam mê nhiều lúc sẽ khiến bạn kiệt sức nhưng nếu vượt qua được thì đó cuối cùng mới là đam mê đích thực của bạn.

 

Tới đây hãy suy nghĩ một chút và tự trả lời cho chính bạn: Đam mê của bạn là gì? Bạn có thực sự có nó không?

 

Lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê?

 

Nếu bạn có một đam mê thực sự thì lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê là việc làm hợp lý. Tôi có một anh bạn học chung đại học. Tốt nghiệp ra trường cậu ấy đi làm kỹ sư cơ khí nhưng cậu ấy rất thích trồng cây từ khi còn bé. Cậu ấy dành rất nhiều công sức để mày mò, tìm tòi và nhân giống các loài hoa khác nhau lúc rảnh rỗi. Việc đó kéo dài hơn 20 năm cùng rất nhiều tiền của và tâm huyết. Cho đến một ngày, khi cảm thấy có thể có thu nhập từ những chậu hoa ghép của mình, cậu ấy quyết định bỏ việc và xây dựng một mô hình nông trại của riêng mình. Giờ đây có thể nói cậu ấy đang sống bằng chính đam mê của mình.

 

Nhưng không phải ai cũng biết được đam mê thực sự của bản thân. Nếu bạn rơi vào trường hợp như vậy, không sao cả vì tôi đã nói đó là hành trình không hề đơn giản. Lời khuyên cho bạn là đừng vội vàng chọn ngành hay nhảy việc chỉ để chạy theo thú vui nhất thời. Đó là việc làm mạo hiểm và cái giá phải trả nhiều khi rất đắt.

 

Hãy cứ tập trung phát triển kiến thức để trở thành người nổi bật nhất trong lĩnh vực của bạn. Hay nói các khác là hãy cố đạt được ARC: Automony (cảm giác được tự chủ), Relatedness (cảm giác gắn kết với mọi người) và Competency (Cảm giác bạn có thể làm tốt công việc mình đang làm).

 

Tôi sẽ chia sẻ cụ thể vì sao ARC quan trọng và hành trình để đạt được nó trong bài blog sau nhé.

 

Trần Nhật Khoa

 

 

Viết một bình luận