Bạn hãy thử nhớ lại xem trong cuộc sống có giai đoạn nào bạn đã cực kỳ hiệu quả trong công việc và bạn làm cho tất cả mọi người xung quanh phải ngạc nhiên vì sự hiệu quả bạn mang lại? Khi đó bạn cảm thấy mình như vua Midas khi mọi thứ bạn chạm vào đều thành vàng. Thế nhưng, một thời gian sau đó, bạn vẫn sử dụng các chiến lược cũ trong công việc, vẫn giữ tinh thần làm việc hăng say như thế nhưng hiệu quả không còn như trước? Tại sao lại vậy? Tôi cũng đã rơi vào trạng thái nhiều lần trong đời khi tôi làm tiến sĩ bên Singapore hay làm việc tại tập đoàn GE của Mỹ, tức là rập khuôn các công thức thành công trong quá khứ nhưng không mang lại kết quả như mong muốn.
Tôi là một 8x thế hệ giữa. Ở thời của tôi, các bộ phim võ hiệp dựa trên nguyên tác của nhà văn Kim Dung là món ăn tinh thần không thể thiếu. Một trong những cảnh phim tôi thích nhất là trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Khi đó Trương Vô Kỵ học Thái Cực Kiếm do Trương Tam Phong truyền dạy ngay tại chỗ để đầy lùi đội quân Minh giáo do Triệu Mẫn dẫn đầu. Cảnh phim cũng tương đối dài nhưng điểm mấu chốt mà tôi muốn nhấn mạnh là cách Trương Vô Kỵ học thành công môn kiếm pháp phức tạp trên trong thời gian ngắn. Anh ấy học để quên chứ không phải để nhớ.
Nghe có vẻ vô lý nhưng ngẫm nghĩ kỹ sẽ hiểu được một phần triết lý của nhà văn Kim Dung. Vạn vật trong vũ trụ luôn biến đổi không ngừng, do đó muốn có thành tựu mới thì khi thi triển các chiến lược phải luôn thay đổi một cách linh hoạt, mềm mại như cách Trương Vô Kỵ thi triển Thái cực kiếm. Hay nói cách khác muốn đạt được thành công cao hơn thì đôi khi ta nên quên hết những gì đã học ở quá khứ. Điều này không có nghĩa là phủ định hoàn toàn các tri thức bạn có được từ những kinh nghiệm trước đó, chỉ đơn giản bạn phải cố gắng liên tục để nhận ra những gì đã lỗi thời và thay bằng các ý tưởng, chiến lược mới. Nghe có vẻ trừu tượng? Bạn yên tâm, ví dụ bên dưới sẽ khiến bạn hiểu quan điểm này của tôi một cách dễ dàng hơn.
Năm 2010, Serena Williams lúc đó là tay vợt nữ hàng đầu thế giới. Nhưng sau đó, chấn thương và sức khỏe không tốt đã buộc cô phải ngồi ngoài nửa đầu mùa giải 2011. Màn trình diễn của cô khi trở lại năm đó đã gây nên một sự thất vọng lớn. Đỉnh điểm vào năm 2012, Serena thua Virginie Razzano, tay vợt xếp hạng 111 tại giải Pháp mở rộng. Thế giới của Serena gần như sụp đổ! Nguyên nhân lớn nhất của vấn đề này là khi trở lại sau một khoảng thời gian tương đối dài, Serena đã bắt đầu lại với những phương pháp đã mang cô ấy lên đỉnh thế giới. Thế nhưng cô ấy quên mất vị thế của mình đã thay đổi; các đối thủ cũng đã tiến bộ không ngừng trong thời gian Serena nghỉ thi đấu.
Nhưng Williams quyết tâm không bỏ cuộc. Cô đã thực hiện những thay đổi căn bản đối với chế độ tập luyện của mình, bao gồm cả việc bổ nhiệm một huấn luyện viên mới. Đến cuối mùa giải 2015, cô ẵm trọn 4 danh hiệu Grand Slam trong năm. Rõ ràng việc chấp nhận thay đổi đã giúp Serena khám phá ra các phương pháp mới để một lần nữa thống trị làng quần vợt nữ thế giới.
Chắc hẳn qua ví dụ trên bạn đã hiểu quan điểm của tôi về việc hãy cố quên các thành tựu cũ để hướng thành công mới và vì sao đây là một chiến lược đặc biệt hiệu quả khi bạn đang gặp khó khăn trong công việc hiện tại . Vậy giờ chúng ta thực hiện chiến lược này ra sao?
Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi đút kết ra ba bước chính để hoàn thành chiến lược ở trên.
Bước quan trọng đầu tiên là học cách quên các phương pháp cũ đã giúp bạn thành công. Hãy dừng áp dụng nó một cách máy móc rập khuôn và tìm cách thay đổi góc nhìn của bản thân đối với vấn đề bạn đang giải quyết. Bạn cũng có thể tìm kiếm ý kiến từ những người xung quanh, thậm chí từ những người không có chuyên môn sâu, để có các góc nhìn tươi mới hơn. Andy Grove, CEO của Intel, đã dùng phương pháp này để dịch chuyển cả tập đoàn từ sản xuất chip bộ nhớ (memory chips) sang bộ vi xử lý (microprocessor) khi thị trường dành cho chip bộ nhớ thu hẹp lại. Andy chỉ đơn giản đã hỏi ý kiến các đồng nghiệp rằng họ sẽ làm gì để cứu ngành công nghiệp sản xuất chip bộ nhớ của Intel, câu trả lời của họ là “hãy bỏ nó đi”.
Bước tiếp theo là phải xác định một mục tiêu quan trọng nhất để hướng tới (cố gắng tập trung vào chỉ một mục tiêu mà thôi) và chia nhỏ nó thành các mục tiêu nhỏ, dễ dàng thực hiện được. Mục tiêu nhỏ phải được chia sao cho cụ thể, dễ đo lường. Bạn hãy tham khảo thêm phương pháp xác lập các mục tiêu S.M.A.R.T. (Specific, Measurable, Attainable, Relevant và Time-based). Đừng đánh giá thấp các mục tiêu trông có vẻ dễ thực hiện này vì khi hoàn thành một mục tiêu như vậy, bạn đã tiến thêm một bước trên con đường thực hiện mục tiêu chính của mình. Ví dụ để trở lại đỉnh cao, việc đầu tiên Serena phải làm là cải thiện khả năng di chuyển cho phù hợp với tình trạng thể lực cũng như cách đánh mới. Điều này góp phần quan trọng mang lại những danh hiệu say này cho cô ấy.
Bước cuối cùng trong quy trình này là không ngừng rút tỉa kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu nhỏ. Các bài học kinh nghiệm này sẽ là chìa khóa để bạn thiết lập các mục tiêu nhỏ tiếp theo và giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu lớn cuối cùng mình đã đặt ra. Bạn phải thực hiện bước này một cách tỉ mỉ đồng thời không ngừng đặt câu hỏi về những thách thức bạn đã gặp phải để xem xét những gì mình có thể làm tốt hơn.
Việc áp dụng ba bước ở trên sẽ khiến bạn có cách tiếp cận vấn đề một cách mới mẻ hơn mỗi khi ta gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống. Người ta nói nên quên thất bại cũ để hướng tới thành công mới, còn theo tôi bạn cũng nên quên cả các thành công trước đây để đạt được các thành tựu lớn hơn. Khi xã hội thay đổi không ngừng, bạn phải chấp nhận rằng các chiến lược bạn đã sử dụng để thành công hôm qua có thể không còn hiệu nghiệm vào hôm nay. Do đó, hãy cởi mở với những phương pháp tư duy mới giúp bạn vượt qua các trở ngại để đạt được thành công liên tục trong cuộc sống.
Trần Nhật Khoa