ARC – Bí quyết gia tăng động lực nội tại

Có thể, vào lúc này hay lúc khác, bạn đã nghe đâu đó rằng bí quyết thành công và hạnh phúc là “hãy theo đuổi đam mê của bạn”. Đây là khẩu hiệu của vô số chuyên gia và người truyền cảm hứng trên khắp thế giới. Nhưng liệu lời khuyên này có đúng không? Nếu vậy, tại sao Steve Jobs lại xây dựng một trong những công ty thành công nhất thế giới khi niềm đam mê của ông là trở thành một thiền sư (Zen Master)?

 

 

Rất nhiều người nói rằng cứ làm theo đam mê, thành công sẽ tự tìm đến bạn. Điều này đúng nếu như đó là đam mê thật sự của bạn chứ không phải chỉ là sở thích tức thời. Trong bài viết trước, tôi đã phân biệt rõ ràng đam mê và thú vui khác nhau như thế nào. Đáng buồn thay, hầu như tất cả các bạn đã bỏ việc vì đam mê sau cùng lại phát hiện ra nó chỉ là thú vui ngắn hạn. 

 

Đam mê thực sự rất khó tìm, đa số các bạn đều chỉ thấy các thú vui thoáng qua trên hành trình tìm kiếm nó. Có một cách dễ hơn để đạt được trạng thái hài lòng trong cuộc sống: Đó là hãy tìm cách yêu quý công việc mình làm.

 

 

Một lý thuyết khoa học, được gọi là lý thuyết quyền tự quyết (self-determination), đã khẳng định điều này. Lý thuyết này lần đầu tiên được giới thiệu bởi Deci và Ryan trong cuốn sách xuất bản năm 1985 của họ “Quyền tự quyết và động lực nội tại trong hành vi của con người”.  Lý thuyết đã xác định ba yếu tố cơ bản cần thiết để tạo ra động lực nội tại tức là làm gia tăng mức độ thỏa mãn công việc cao hơn. Ba yếu tố này là: quyền tự chủ (Autonomy), cảm giác rằng bạn có quyền kiểm soát trong công việc của mình; sự liên quan (Relatedness), cảm giác kết nối với những đồng nghiệp khác và năng lực (Competence), là cảm giác rằng bạn giỏi trong những gì bạn làm. Nếu làm bất cứ công việc nào mà bạn hội tụ đủ ba yếu tố này thì tự nó sẽ giúp bạn sản sinh ra động lực làm việc.

 

Để tôi lấy ví dụ cho bạn dễ hình dung. Ví dụ bạn đang làm một công việc mà bạn có quyền tự chủ rất lớn. Bạn được quyết định cách thức làm việc cũng như thời gian và nguồn lực để hoàn thành nó. Trong công việc này, bạn có điều kiện chứng tỏ được năng lực của mình và được mọi người ghi nhận. Cuối cùng, đây là một nơi làm việc mà bạn cảm thấy được quan tâm và kết nối với những người xung quanh. Nếu bạn hội tụ đủ những yếu tố này thì thông thường bạn sẽ không muốn nhảy đi chỗ khác.

 

Trong ba yếu tố trên, quyền tự chủ là năng lực hoàn toàn có thể đạt được thông qua việc học tập và làm việc chăm chỉ chứ không cần phải đam mê. Bạn chỉ cần phải có tư duy của người thợ thủ công (craftman mindset), nghĩa là cứ cần cù kiên trì phát triển các kỹ năng liên quan đến công việc của bạn từng chút một. Bạn liệt kê xem đâu là các kỹ năng cần thiết để trở nên nổi bật trong công việc mình làm và cố gắng rèn dũa nó. Ví dụ bạn là một digital marketer thì việc thành thạo Photoshop có thể sẽ là thứ giúp bạn trở thành là tài sản có giá trị của công ty. Có thể lúc này bạn không giỏi nó nhưng nếu bạn cố gắng đủ lâu thì bạn hoàn toàn có thể làm được. Không ai sinh ra đã biết mọi thứ và thiên tài thì có đến 99% là khổ luyện rồi. Đối với yếu tố thứ ba, sự liên quan, bạn chỉ cần cố gắng hơn trong việc xây dựng những mối quan hệ gắn bó trong công ty. Không cần thiết phải làm bạn với tất cả mọi người, chỉ cần thân thiết với những người phù hợp với style của bạn là đủ.

 

 

Tóm lại, thay vì bỏ nhiều công sức tìm kiếm một công việc phù hợp với đam mê của bạn, hãy học cách yêu thích những gì bạn đang làm. Bước quan trọng đầu tiên để làm được như vậy là hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp thông qua việc thực hành liên tục. Hãy bắt đầu bằng các mục tiêu nhỏ và từng bước đạt được A, R, C trong công việc hiện tại của mình. Khi đó, bạn sẽ thấy hứng thú ở công việc mình làm mỗi ngày. Cố lên nhé, chúc bạn thành công.

 

Trần Nhật Khoa

 

 

Viết một bình luận