Đầu tư cho con một cách thông minh

Người Việt Nam rất quan tâm đến đầu tư cho giáo dục của con. Thống kê cho thấy bình quân mỗi gia đình ở nông thôn đầu tư 1.12 triệu/tháng/con. Con số này ở khu vực thành phố là 3.6 triệu. Một con số rất lớn nếu như so với GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 81 triệu/năm.

 

 

Rất nhiều tiền đã đổ vào giáo dục nhưng điều này không đồng nghĩa với chất lượng. Nếu lấy thành công của mỗi cá nhân là thước đo thì đầu tư cho giáo dục hiện nay không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. 60% sinh viên ra trường làm trái ngành, 30% sinh viên đậu đại học không tốt nghiệp, 90 % sinh viên mới đi làm không hài lòng với công việc của mình và hơn 200.000 cử nhân tốt nghiệp không có việc làm (thống kê mùa covid chắc chắn sẽ còn cao hơn). Không ai mong muốn con em mình sẽ rơi vào các thống kê này. Nhưng bạn có thật sự quyết liệt tìm kiếm giải pháp?

 

Mất định hướng là nguyên nhân chính cho các con số ở trên. Ở Mỹ, theo tỷ lệ chuẩn của Hiệp hội hướng nghiệp Hoa kỳ (American Counseling Associasion) cứ 250 học sinh thì phải có một cán bộ chuyên trách làm công tác định hướng nghề nghiệp. Tỷ lệ này ở Việt Nam gần như bằng 0. Theo chương trình hiện nay của Bộ Giáo dục đào tạo, mỗi năm một lớp có 9 tiết hướng nghiệp, nếu chia ra cho một lớp có 40 em thì mỗi em một năm có 10 phút hướng nghiệp! Mà đa số những tiết này đều được sử dụng để làm việc khác. Vậy thử hỏi các em được định hướng ra sao?

 

 

Tại các trường học ở Mỹ, chuyên viên tư vấn trong trường sẽ gặp riêng mỗi học sinh 2 -3 lần trong năm, mỗi lần 15-30 phút để trao đổi hướng nghiệp. Việc này bắt đầu từ năm 13 tuổi và vẫn tiếp tục ở bậc đại học. So sánh vậy để thấy việc định hướng nghề nghiệp hiện nay còn lỏng lẻo ra sao. Do không được hướng nghiệp bài bản, học sinh Việt Nam thường lựa chọn ngành nghề theo các phương pháp sau:

 

  • Chọn theo điểm số
  • Chọn theo bạn bè
  • Chọn theo mong muốn gia đình
  • Chọn theo sở thích
  • Chọn theo lời khuyên từ người xung quanh

 

Bạn có thể xem phân tích chi tiết lợi và hại của từng phương pháp này trong bài blog này. Ở Việt Nam, chúng ta lựa chọn ngành nghề không dựa sự tổng hoà của sở thích, tính cách, năng lực và các đặc tính riêng biệt khác của bản thân.

 

Trên thế giới có một mô hình giáo dục nổi tiếng là ASK. ASK là từ viết tắt của Attitude (Thái độ), Skills (Kỹ năng), Knowledge (Kiến thức). Theo phương pháp này, mỗi cá nhân muốn thành công phải có đầy đủ 3 yếu tố trên. Để dễ hình dung nếu ta ví mỗi đưa bé như một cái cây thì Attitude có thể ví như rễ cây, Skills là thân cây còn Knowledge là lá cây. Vậy còn định hướng nghề nghiệp nằm ở đâu? Đó chính là đất, môi trường sống giúp cây phát triển.

 

Khi bé còn đi học phổ thông, bé đang ở trong một cái “chậu nhỏ” là gia đình và trường học. Khi vào đời con em bạn sẽ chuyển qua sống ở vùng đất mới rộng rãi hơn. Hướng nghiệp rất quan trọng vì nếu làm đúng sẽ giúp bé tìm được mảnh đất phù hợp để phát triển tốt. Còn ngược lại, gặp đất xấu, bé sẽ không thể phát triển như mong muốn dù cho cái cây đã phát triển tốt như thế nào trước đó. Bạn có để ý nhiều bé học rất giỏi ở phổ thông nhưng lên đại học học làng nhàng và tốt nghiệp ra trường không có gì nổi bật. Đó là ví dụ điển hình cho hình ảnh ở trên.

 

 

Đến đây chắc bạn cũng hiểu đầu tư cho giáo dục như thế nào mới mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng ta vẫn đầu tư cho con phát triển cả rễ, thân và lá nhưng không được quên tìm nguồn đất thích hợp cho con. Đây là việc làm cốt yếu!

 

Chi phí học tập cho 4 năm đại học tổng cộng hết khoảng 300 triệu. Con số này cho trường dân lập là khoảng 600 triệu, còn trường quốc tế thì lên đến tiền tỷ. Vì vậy trước khi quyết định cho con học một ngành hay trường nào hãy nghiên cứu kỹ xem vùng đất ấy có thuận lợi nhất cho con hay không. Đừng mạo hiểm với số tiền đầu tư của mình cũng như tương lai của con em bạn. Là cha mẹ, đầu tư cho giáo dục con là việc nên làm nhưng phải làm thật thông minh.

 

 

Viết một bình luận