Tìm hiểu về bài test tâm trắc học (psychometric test)

Việc đo lường các thuộc tính như chiều cao, cân nặng và sức mạnh rất đơn giản. Đây đều là những đặc điểm thể chất có thể quan sát được, chúng ta có thể đánh giá chúng một cách khách quan. Nhưng còn những yếu tố khác không dễ đo lường thì sao?

 

Các đặc điểm như tính cách, thái độ, trí thông minh và năng lực tư duy là những đặc điểm quan trọng cần được đánh giá. Cho dù bạn đang tìm kiếm công việc phù hợp, muốn hiểu rõ bản thân, muốn phát triển các mối quan hệ xung quanh, hay đơn giản là muốn làm chủ cuộc sống chính mình, việc đánh giá các loại thuộc tính “ẩn” này đều sẽ rất hữu ích.

 

Một công cụ được sử dụng phổ biến trên thế giới để đo lường các thuộc tính này là các bài test tâm trắc học (psychometric test). Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn psychometric test là gì, chúng đo lường những gì, chúng có thể giúp bạn thế nào trong việc thấu hiểu bản thân và định hướng nghề nghiệp.

 

 

Psychometric test là gì?

 

Các bài kiểm tra tâm trắc học bao gồm bài các đánh giá tính cách, bài kiểm tra năng lực tư duy, bảng khảo sát sở thích. Mục đích cuối cùng của các bài test này là cố gắng cung cấp dữ liệu khách quan cho thuộc tính chủ quan đã dự định từ trước.

 

Ví dụ, nếu bạn muốn xác định một nét tính cách của ai đó, bạn có thể hỏi trực tiếp người đó, quan sát hành động của người đó, hoặc thu thập các nhận xét về họ từ những người khác. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp này có thể bị ảnh hưởng bởi thành kiến ​​hay quan điểm cá nhân. Bằng cách sử dụng một bài test tâm trắc học, bạn sẽ đưa ra các phán đoán khách quan và công bằng hơn.

 

Vì tính khách quan là chìa khóa để sử dụng những đánh giá này, nên một bài đánh giá tốt sẽ cung cấp kết quả công bằng và chính xác mỗi lần thực hiện. Để đảm bảo điều này, bài test phải đáp ứng ba tiêu chí chính sau:

 

Chuẩn hóa (Standardization) – Bài đánh giá phải dựa trên kết quả từ một nhóm mẫu thực sự đại diện cho những người sẽ làm bài kiểm tra. Bạn không thể khảo sát thực tế tất cả mọi người trong một quốc gia. Nhưng bạn có thể kiểm tra một mẫu đại diện của nhóm đó và sau đó áp dụng kết quả cho những người cụ thể mà bạn muốn đánh giá.

 

Độ tin cậy (Reliability) – Bài test phải tạo ra kết quả nhất quán và không bị ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố bên ngoài. Ví dụ, khi bạn làm bài đánh giá ở trạng thái căng thẳng, kết quả cũng không nên khác biệt quá nhiều so với những lúc bạn phấn khích hoặc thoải mái.

 

Tính hợp lệ (Validity) – Đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất của một bài đánh giá. Một bài test hợp lệ phải đo lường những gì nó dự định đo. Nếu một bài đánh giá được thiết kế để đo lường sở thích của mọi người, thì nó phải chứng minh được rằng nó thực sự đo lường sở thích chứ không phải thứ gì khác không liên quan.

Lịch sử của Psychometric test

 

Bài test tâm trắc học bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20 khi nhà tâm lý học người Pháp Alfred Binet thực hiện bài kiểm tra trí thông minh đầu tiên vào năm 1905.

 

Trung Quốc là nước đầu tiên tiến hành thử nghiệm đo lường tâm trắc học trong tuyển dụng quân đội. Sau đó, quân đội của các quốc gia khác đã dựa vào một bài kiểm tra tính cách gọi là Bảng dữ liệu tính cách Woodworth vào năm 1917 để tuyển quân.

 

Mặc dù nguồn gốc của trắc nghiệm tâm lý có từ thời cổ đại, tuy nhiên, trắc nghiệm đo lường tâm lý thời hiện đại được phát triển bởi nhà thống kê và nhà tâm lý học Francis Galton. Galton, người được gọi là ‘Cha đẻ của Tâm trắc học’, là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ ‘psychometric’. Ông đã thiết kế một khuôn khổ vào những năm 1880 để đánh giá trí thông minh của mọi người dựa trên các kỹ năng vận động và cảm giác của họ. James McKeen Cattell, người đã đặt tên cho các bài đánh giá tâm lý là ‘bài kiểm tra tâm thần’, đã mở rộng công việc của Galton.

 

Vào thế kỷ 19 các nhà tâm lý học người Pháp Alfred Binet, Victor Henri và Theodore Simon đã nghĩ ra một bài kiểm tra đo lường tâm lý để đánh giá trẻ nhỏ mắc các chứng khiếm khuyết về thần kinh. Hành trình nghiên cứu kéo dài 15 năm của họ thể hiện nhiều khía cạnh của nhân cách con người, chẳng hạn như kỹ năng nói và tư duy. Bài kiểm tra ‘chậm phát triển trí tuệ’ này được gọi là bài kiểm tra Binet-Simon.

 

Kề từ đó, bài kiểm tra tâm trắc học đã tiếp tục phát triển để trở thành công cụ hỗ trợ không thể thiếu trong các phương pháp tuyển dụng và lựa chọn nghề nghiệp ngày nay.

 

Psychometric test thường đo lường những gì?

 

Các bài kiểm tra tâm lý có thể đo lường sở thích, tính cách và năng lực.

 

  • Bài kiểm tra sở thích đo lường sự khác biệt giữa mọi người về động cơ và quan điểm ​​của họ trên các lĩnh vực khác nhau. Holland test là dạng bài này.
  • Các bài kiểm tra tính cách đo lường sự khác biệt giữa mọi người về phong cách hoặc cách làm việc cũng như cách họ tương tác với môi trường xung quanh. MBTI là bài test tính cách phổ biến nhất hiện nay.
  • Các bài kiểm tra năng lực đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ khác nhau của mỗi người. Các dạng bài này bao gồm bài test khả năng suy luận logic, bài test khả năng phân tích vấn đề, test khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề v.v.

 

Cái điểm ưu việt của các bài psychometric test

 

Ưu điểm lớn nhất của các bài test tâm trắc học là giúp đánh giá các khía cạnh ẩn của con người một cách khách quan hơn.

 

Các bài kiểm tra này được hoàn thành bằng cách sử dụng các phần mềm hay đa số hiện nay được tiến hành trực tuyến. Điều này, mang lại lợi thế về thời gian cũng như giúp giảm chi phí đáng kể. Mọi người có thể làm bài kiểm tra từ mọi nơi và nhận kết quả một cách nhanh chóng.

 

 

Ứng dụng của bài test tâm trắc học

 

Trong việc định hướng nghề nghiệp: Những thông tin khách quan từ các bài đánh giá tâm lý giúp cho các cá nhân hiểu rõ bản thân mình hơn. Việc hiểu chính mình là yếu tố nền tảng cho việc định hướng nghề nghiệp diễn ra thành công.

 

Trong việc tuyển dụng: Các bài test này là công cụ hỗ trợ rất lớn cho các giám đốc tuyển dụng trong việc chọn lựa ứng viên tốt nhất. Chi phí tuyển dụng nhân sự ngày càng cao, việc sử dụng các bài test tiện lợi, với giá thành hợp lý sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Trong việc phát triển bản thân: Muốn phát triển bản thân thì trước hết phải thấu hiểu chính mình. Các bài test sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tính cách, sở thích cũng như các năng lực tiềm ẩn để có thể xây dựng một lộ trình phát triển chính xác cho tương lai. Bên cạnh đó, một số bài test tâm trắc học có thể giúp bạn hiểu được tiềm năng thành công của bản thân trong một ngành nghề nào đó.

 

 

Ở Việt Nam các bài test tâm trắc học được sử dụng khá nhiều trong việc đánh giá tính cách và hỗ trợ hướng nghiệp. Bạn có thể xem bảng so sánh tổng quan về các bài đánh giá đang được sử dụng phổ biến hiện nay.

 

Hiễu rõ bản thân toàn diện là một việc làm không hề dễ dàng và các bài psychometric test là công cụ hỗ trợ hiệu quả, tiện lợi giúp bạn phần nào hoàn thành được mục tiêu trên.

 

 

Viết một bình luận